Cô chủ ấy tên Nguyễn Thị Thu Thương, 24 tuổi, ở tại số nhà 13, người nhỏ xíu như đứa trẻ lên 5 (cao chưa đầy 80cm, nặng 17kg). 24 năm chỉ nằm lăn tròn người khi di chuyển. Cô học nghề, rồi tự mày mò đan ra các kiểu khăn, mũ, tất, đèn bàn bằng cúc áo để bán và có một ước mơ: trở thành giám đốc bằng chính những sản phẩm mà đôi tay, khối óc của mình làm ra.

 

 

Thương cha mẹ hơn sợ bị đau!

 

 

Thương bị bệnh xương thủy tinh; đến giờ cũng không thể tính được mình đã bị gãy chân bao nhiêu lần: năm, sáu, bảy mươi lần gì đó, nhiều quá không nhớ nổi. Xương mềm oặt, hễ động mạnh một chút là gãy. Mà mỗi lần gãy là đau điếng người, phải nằm im một chỗ hàng tháng trời.

 

 

Sinh ra ở Phú Xuyên (Hà Tây), mẹ làm ruộng, bố làm công nhân trên tận Hà Nội, cuối tuần mới về. Mỗi lần bố về Thương biết ngay từ đầu ngõ bởi tiếng kêu cọc cạch, ken két của chiếc xe đạp cũ rỉn. Âm thanh ấy đến giờ trong ký ức của Thương cũng không lạc vào đâu được. Vừa vui, vừa buồn! Vì nếu không phải dồn tiền chữa bệnh cho Thương, bố đã mua chiếc xe mới. Chị gái học hết lớp 7 phải nghỉ ở nhà giúp mẹ trông em.

 

 

Thương thường giật mình co quắp chân tay, sợ vậy xương của con sẽ không liền được, mẹ thức trắng đêm coi.

 

 

Mẹ mở quán tạp hóa nhỏ tại nhà. Năm Thương tám chín tuổi, chị gái lên Hà Nội học may, Thương leo lẻo: "Mẹ cứ đi làm đồng, để quán ở nhà con trông, con biết giá cả rồi, không ai bắt nạt được con đâu"- mẹ Thương kể. Khách đến mua rượu, nước mắm, vừng, lạc, đỗ... Thương khéo mồm: "Bác, cô đong giùm cháu với".

 

 

Năm 1994, gia đình Thương chuyển lên Hà Nội. Nhà chật chội nhưng cả nhà được gần gũi nhau.

 

 

Giấc mơ giám đốc của "thủy tinh"

 

 

Cuối năm 2003, khi xem tivi thấy phát chương trình nói về Câu lạc bộ Vì ngày mai của cô Lê Minh Hiền dạy nghề cho những người khuyết tật, Thương nằng nặc xin bố mẹ đến câu lạc bộ học. "Mình phải học nghề, cố gắng làm ra những sản phẩm kiếm tiền giúp bố mẹ. Rồi mình sẽ phát triển, mở rộng..." - nhiều đêm Thương nghĩ.

 

 

Dù không muốn cho con đi học vì nếu chỉ một vật cứng hay ai đó xô vào là xương chân tay của Thương sẽ gãy, nhưng bố mẹ cũng không thể cưỡng lại được trước sự năn nỉ của con.

 

 

Buổi đầu đến nhìn sản phẩm các bạn khuyết tật làm ra Thương mê lắm: những bông hoa giấy, những chiếc gối bông, những chiếc đèn bàn xinh xinh... đẹp tuyệt.

 

 

Cô Hiền dạy đến đâu Thương làm và cố gắng nhớ luôn đến đó, rồi còn mày mò nghĩ ra các mẫu khác. Nhiều lúc làm mải miết, tay tê không cảm giác. Tối bố mẹ đón về nhà, Thương xin cô mang một số vật dụng về làm. Chiếc đèn bàn bằng cúc áo, chiếc khăn len... cứ thế lần lượt được tạo thành. Thương mừng rơi nước mắt.

 

 

Nhiều bà con sống lâu năm trong ngõ Lương Định Của tấm tắc: "Khó có ai nghị lực như cô bé ấy; khuyết tật như thế nhưng lúc nào cũng vui cười, hăng say đan vá”. Có gia đình mang Thương ra làm gương cho con. Cô Lê Minh Hiền, chủ cơ sở Vì ngày mai, tâm sự: "Thương chịu khó lắm. Tập làm trong tư thế khó khăn như thế nhưng Thương luôn hoàn thiện từng khâu trên mỗi sản phẩm. Thương tiếp thu nhanh, chỉ sau một thời gian, nhiều sản phẩm làm nhanh, đẹp hơn cả một số bạn bè học trước, đến trước".

 

 

Cuối năm 2005, Thương xin bố mẹ cho mở chiếc quầy nhỏ tại nhà. Hôm bày sản phẩm, cô Trần Thị Dung, ở số nhà 7 cùng khu ngõ rất bất ngờ vì không nghĩ những chiếc đèn bàn, khăn len là của "con bé Thương làm ra". Những người bạn tình nguyện trước đây đến CLB Vì ngày mai cũng giúp Thương tiếp thị và bán hộ sản phẩm. Thương bảo bán chạy nhất là đèn bàn bằng cúc áo, gần như ra cái nào là bán ngay được cái ấy. Khăn len, áo móc bán chậm hơn. "Làm một chiếc đèn bàn mất hai tuần nên sản phẩm cũng được ít, khăn và áo chưa cạnh tranh với bên ngoài được". Thương khoe nhờ tiền bán các sản phẩm này mà đã hai lần xin bố mẹ được đóng học phí một kỳ cho em gái.

 

Tác giả:Mạnh Chung

Nguồn:Tuổi Trẻ