TT - Tôi nhớ như in một chiều mùa đông 32 năm trước. Vừa khi gia đình tôi ra khỏi cổng tòa án thị xã QN, ba dắt tay chị tôi đi về hướng chiếc xe jeep đang đậu sẵn. Tôi chạy theo nhưng mẹ giữ tay tôi lại. Hôm đó ba mẹ tôi chính thức ly hôn.

 

Khi ấy tôi mới hơn 5 tuổi nhưng rất hiểu chuyện. Vụ ly hôn của ba mẹ tôi thuộc hạng “đình đám” ở cái thị xã bé như bàn tay. Thời bao cấp khó khổ chung. Nhà thiếu một suất lương, cái khổ tăng gấp đôi. Mẹ tôi ngày hai buổi đi làm, chiều tối về nuôi gà, nuôi lợn. Tối đến còn thắp đèn dầu đan áo len thuê. Tôi cũng chẳng sướng gì. Một buổi đi học, một buổi đi vớt bèo, hái rong hoặc xếp hàng mua gạo, mua cám. Có những đêm chị tôi lôi quần áo ướt chạy về nhà mẹ khi cơm chẳng lành canh chẳng ngọt với dì ghẻ. Mẹ tôi ôm chị tôi vào lòng: “Ráng học, nghe lời người lớn nghe con”.

 

Nhà không có đàn ông, mẹ vừa là mẹ vừa là cha. Mẹ tôi tự đóng chuồng gà, tự leo mái nhà sửa lại chái bếp thủng, tự tính toán vật liệu xây nhà và cả đi chở những bao mùn cưa nặng 50-60 cân. Nhiều người cám cảnh: “Ngày xưa sướng biết bao nhiêu...”. Đáp lại mẹ chỉ cười: “Số tôi không được sướng...”. Đôi tay mẹ hằn lên những vết chai, những đường gân xanh nổi chằng chịt.

 

"Mẹ tôi vẫn thường dạy con gái: Chúng con có thể học mẹ về tấm gương tự học, tự lập, sống bằng chính sức lao động của mình. Nhưng đừng học cái tính quá cứng rắn, bất cần của mẹ. Phụ nữ mà nam tính nhiều là không hạnh phúc đâu"

 

Suất lương của mẹ vừa nuôi tôi, nuôi bà, thi thoảng bù thêm tiền sách vở, quần áo cho chị gái tôi. Căng kéo lắm mới đủ. Vậy nhưng mẹ tôi vẫn kiên quyết đưa cậu tôi ở ngoài Bắc, khi ấy còn chưa có công ăn việc làm ổn định, vào sống cùng. Có cậu, mẹ đỡ phải làm công việc nặng nhọc, nhưng bù lại mẹ nhận đan thuê rất nhiều. Đêm mẹ thức nhiều hơn. Vất vả là vậy nhưng mẹ luôn theo sát việc học tập của hai chị em tôi vì “có học mới thành người có ích”. Có những buổi mẹ tôi bỏ làm để tìm hiểu xem chị tôi “cua tiết” đi chơi ở đâu. Mẹ không ầm ĩ trước sự nổi loạn của con cái mà chỉ ôn tồn khuyên nhủ. Song cũng có lúc không kềm nổi trước sự ngang bướng, nổi loạn của con, mẹ dữ dằn quất những ngọn roi chí tử để rồi sau đó mẹ ôm con khóc cùng...

Tuổi già, mẹ tôi đã có thể ngẩng cao đầu với mọi người khi nuôi dạy các con nên người, tốt nghiệp đại học và có công ăn việc làm ổn định. Ba tôi cũng thừa nhận tuy chị tôi ở với ba, nhưng mẹ tôi là người có ảnh hưởng quyết định đến con nhất. “Tụi con có được như ngày nay là nhờ công của mẹ con. Ba đã không tốt với mẹ...” - ba tôi giờ hay ngậm ngùi nói vậy.

 

Với “người xưa”, mẹ tôi cư xử rất cao thượng. Ngày chị em tôi vu quy đều có cả mẹ, ba và “dì”. Thậm chí mẹ còn nhường cả việc đưa dâu cho “dì”. Hàng xóm, họ hàng nói vào nói ra, mẹ tôi chỉ cười, không nói gì.

 

Từ mẹ, tôi học được đức tính tự lập. Bỏ vào môi trường nào tôi cũng có thể hòa nhập và sống tốt. Có lẽ vì vậy mà khi yêu tôi, ông xã tôi lúc ấy đã nói: “Ở bên em, anh luôn thấy yên ổn, bình an”. Và tôi cũng rút ra bài học kinh nghiệm từ cuộc sống không hạnh phúc của mẹ để tạo dựng cuộc sống gia đình mình hạnh phúc hơn.

 

Nay ở cái tuổi gần 70, mẹ đã, đang và vẫn là người tư vấn, là chỗ dựa tinh thần cho các con. Gặp những đau buồn, khó khổ, vướng mắc trong cuộc sống, người đầu tiên chúng tôi muốn chia sẻ vẫn là mẹ. Và bà ngoại luôn là người các con tôi muốn được giải đáp những thắc mắc của chúng hơn cả.

 

Mẹ nói mẹ đã sống một cuộc đời mà khi chết đi không có gì phải ân hận. Có chăng mẹ ân hận đã có lúc quá nóng nảy với người thân. Nhưng tôi hiểu sức ép về cơm áo gạo tiền, khổ tâm vì hôn nhân không hạnh phúc, cộng với căng kéo lo toan đã biến mẹ thành người như vậy.

 

Ngày nhỏ, từng có lúc tôi thầm trách mẹ sao quá nóng nảy, sao không giỏi chịu đựng như nhiều người phụ nữ khác để cho con cái có cả cha lẫn mẹ. Nhưng khi có gia đình riêng, được sống với người mình yêu thương và tôn trọng, tôi thấu hiểu cuộc sống “đồng sàng dị mộng” thật khó lắm thay. Con đường mẹ đã chọn thật khó khăn, cam khổ.

 

Mẹ hi sinh tất thảy để tôi có cuộc sống tốt hơn. Vậy mà tôi chưa một lần nói cảm ơn mẹ.

 

Mẹ ơi!

 

TT