Dì Chi là con gái út của ông bà ngoại tôi. Dì cũng là người đẹp nhất trong ba người con gái trong gia đình. Ông ngoại tôi lớn lên trong một gia đình Nho giáo, nên vừa thông thạo chữ Hán, lại vừa thông thạo tiếng Pháp. Có lẽ vì ảnh hưởng

của văn học chữ Hán mà ông ngoại đã đặt tên ba người con gái theo hai câu thơ đầu của một bài thơ ngũ ngôn đời Đường:

Yên thảo như bích ty*

Tần tang đê lục chi

Thế là cả ba người con gái đều có tên: Yên Thảo, Bích Ty và Lục Chi. So với mẹ tôi và dì Bích Ty, dì Chi vừa đẹp lại vừa có tài. Mười mấy tuổi dì đã biết chơi thông thạo đàn guitar, violon. Lúc nhỏ tôi thích nhìn hai bàn tay đẹp của dì Chi nhảy múa trên những phím đàn guitar một cách điệu nghệ trong những bản đàn classic. Khi dì chơi đàn violon thì tôi lại thích nhìn mái tóc thề của dì buông xỏa nghiêng nghiêng bên phím đàn. Vì nhà không có con trai nên khi mẹ tôi lấy chồng, ông bà ngoại đã bắt rễ. Tôi sinh ra và lớn lên ở nhà ngoại nên tuổi thơ của tôi gắn bó với dì Chi nhiều hơn dì Bích Ty, vì dì Chi chỉ lớn hơn tôi bảy tuổi nên cũng gần như một người chị lớn. Còn dì Bích Ty thì theo chồng về quê xa lắc. Vừa đẹp lại vừa có tài, có học, nên dì Chi cũng kén chọn khủng khiếp lắm. Tôi nhớ khi tôi khoảng mười tuổi thì dì Chi đang học lớp mười một, mười hai gì đấy, mỗi khi tôi đi học về thế nào cũng có một vài anh chàng nào đó nhờ đưa thư cho dì Chi. Mỗi lần như thế tôi lại được giúi vào tay một gói kẹo, hay gói bánh gì đó nên tôi rất thích được làm bồ câu đưa thư. Nhưng sau đó thì tôi bị dì Chi cốc vào đầu, dì mắng và cấm tôi tuyệt đối không được nhận thư của ai nữa. Điều nầy làm tôi buồn và những anh chàng tương tư dì Chi cũng buồn. Anh Tâm là một trong số những anh chàng say mê dì Chi mà tôi thấy tội nghiệp nhất. Vì sao lại tội nghiệp nhất? Vì trông anh không tương xứng tí nào với dì Chi, vừa xấu trai lại vừa nghèo. Và giữa bao nhiêu chàng trai đang vây quanh dì thì anh thua họ quá nhiều. Thế nhưng anh Tâm cứ lẻo đẻo theo dì mỗi lần dì đi học về, kể cả những đêm khuya có khi tôi thấy anh vẫn đứng trước hàng rào nhà tôi như một pho tượng. Chị Lam, chị tôi, hay đọc tiểu thuyết của Victor Hugo đã đặt tên cho chú Tâm là Quadimodo, nhân vật thằng gù của nhà thờ Đức Bà Paris, con người dị hình dị tướng nhưng lại say mê cô gái xinh đẹp Exmeranda. Cứ mỗi đêm phát hiện anh Tâm đứng trước hàng rào nhà tôi sau khi theo dì Chi đi học thêm về, chị Lam lại nói:

_ Rồi! Quadimodo lại xuất hiện.

Mỗi lần chị Lam trêu anh Tâm như thế bà ngoại tôi lại mắng chị Lam:

_ Đừng trêu người ta mà phải tội.

Rồi bà chép miệng nói một mình:

_ Con cái nhà ai mà lại mê gái đến thế! Rồi thời gian đâu mà học hành.

Nhưng bà tôi đã lầm. Tuy xấu trai, nghèo, nhưng anh Tâm học rất giỏi. Cuối năm đó khi dì Chi đỗ vào đại học Ngân hàng thì anh Tâm đỗ vào đại học Y khoa. Chị

Lam tôi lanh chanh hỏi dì Chi:

_ Mai mốt anh Tâm là bác sỹ đấy, dì còn chê hết?

Dì Chi bỉu môi:

_ Thèm vào! Bác sỹ mà xấu thế thì có ma nó yêu!

Dì Chi bao giờ chả thế, kiêu kỳ không ai bằng. Vào Sài Gòn học đại học, dì Chi yêu anh Khoa, khi hai người sinh hoạt trong nhóm sinh viên đồng hương. Anh Khoa cũng là một trong những người từng theo đuổi dì Chi thời trung học. Anh Khoa cũng học Đại học ngành y nhưng trên anh Tâm hai năm. Mỗi lần tết đến cả hai cùng về quê, cùng đi chung môt chuyến tàu, và khi đón dì, tôi thấy có cả anh Tâm trên chuyến tàu ấy nữa. Rồi trong khi hai người ríu rít đi với nhau anh Tâm lại lặng lẽ xách túi hành lý đi sau, đôi mắt buồn rười rượi. Hồi nhỏ có khi tôi nghĩ lớn lên tôi sẽ yêu anh Tâm để bù đắp cho những thiệt thòi mà anh ấy phải chịu. Dĩ nhiên đó là những suy nghĩ rất trẻ con, nhưng dù sao cũng ẩn chứa một chút lòng trắc ẩn. Nào ai biết cuộc đời sẽ ra sao ngày sau, que sera sera… giống như một bài hát thịnh hành hồi ấy. Sau mấy năm học đại học, dì Chi và anh Khoa cùng tốt nghiệp ra trường. Bây giờ thì tôi không còn gọi anh Khoa là anh nữa mà là chú Khoa, vì chú đã đính hôn với dì Chi. Mấy tháng sau khi cả hai nhận nhiệm sở thì hai bên gia đình tổ chức đám cưới. Thế là hai người kết thúc thời kỳ độc thân khá sớm ở lứa tuổi hai ba của dì Chi, hai lăm ở chú Khoa. Mấy năm đầu cuộc sống của hai người tương đối thuận buồm xuôi gió. Sau khi bé Chinh ra đời ít lâu, chú Khoa vào Sài gòn học chuyên khoa rồi xin việc làm trong ấy. Dì Chi thì vẫn làm việc ở quê nhà, dự tính đợi bé Chinh lớn thêm vài tuổi rồi xin thuyên chuyển vào Sài gòn, vì vào trong ấy thì không thể nhờ nội hay ngoại được. Có lần dì Chi xin nghỉ phép bồng bé Chinh vào thăm chồng bất ngờ thì phát hiện chú Khoa có tình nhân. Bồ chú là một cô bác sỹ cùng học chuyên khoa với chú. Ngay lập tức dì Chi bồng con quay về quê hương và xin ly dị chồng. Cuộc chung sống kết thúc chóng vánh. Từ đó dì Chi vò võ một mình nuôi con. Mẹ tôi thường lấy chuyện của dì để răn đe bọn tôi;

_ Đừng quá chú trọng vào hình thức, cứ xem dì Chi đấy. Ngày xưa nếu dì Chi lấy chú Tâm thì đâu đến nỗi. Chồng đẹp là chồng người ta mà lại!

Chị Lam thì vẫn bướng bỉnh cãi:

_ Nói như mẹ người ta gọi là vơ đũa cả nắm đấy. Đâu phải ai đẹp trai cũng như chú Khoa cả đâu. Chẳng qua cái số dì Chi nó thế.

Bà ngoại tôi thì không nói gì, chỉ thở dài buồn bã. Là người theo đạo Phật, có khi bà nghĩ biết đâu cũng là nhân quả. Thất vọng vì một người đàn ông, dì Chi ở vậy một mình nuôi con, từ chối bao nhiêu người đàn ông theo đuổi. Với một người đàn bà đẹp như dì, sống một mình quả không dễ tí nào. Vì sau đó có nhiều người, kể cả chú Tâm, nhiều lần muốn xin chắp nối với dì, nhưng dì nhất quyết từ chối. Trước sau dì Chi vẫn là một người đàn bà kiêu hãnh. Dì không muốn chú Tâm nhìn dì như một kẻ bại trận. Lạ một điều sau nhiều năm ra trường, chú Tâm vẫn chưa lấy vợ.

* * *

Nhiều năm trôi qua nhanh như đời người vốn ngắn ngủi, dì Chi bây giờ đã nghỉ hưu. Chinh, con dì đã đi du học từ lâu và sau khi ra trường đã lập gia đình bên Mỹ. Dì Chi vẫn một thân một mình và dì từ chối không sang Mỹ định cư theo lời mời khẩn khoản của Chinh. Nếu ai mới gặp dì Chi chắc không thể nào đoán đúng tuổi của dì. Ở tuổi gần sáu mươi nhưng trông dì trẻ như người xấp xỉ năm mươi. Có thể nói dì trẻ hơn tuổi đến mười năm. Khuôn mặt trẻ, dáng dấp trẻ, ngay cái dáng đi xe máy của dì nếu nhìn sau lưng thì không ai nghĩ đó là một bà già. Vì vậy mà chú Điền mới gặp dì đã mê tít. Hôm đó dì Chi ra bưu điện gửi quà sinh nhật cho một người bạn thân ở xa. Lúc phải điền vào phiếu gửi hàng thì dì chợt nhớ ra là quên mang kính. Với cặp mắt viễn thị ba độ như dì mà không có kính thì không thể nào đọc ra chữ. Nghĩ đến chuyện quay về để lấy kiếng thì dì thấy nản, vì nhà cách bưu điện hơi xa. Nhìn quanh nhìn quất thấy có một ông lớn tuổi cũng đang làm thủ tục gửi bưu kiện, dì mừng quýnh đến hỏi mượn kính. Người đàn ông ấy chính là chú Điền, dĩ nhiên là chú vui vẻ cho người đẹp mượn kính với vẻ thông cảm. Nhưng với tính đãng trí của một người già, dì Chi dùng xong bèn bỏ kính vào xách tay rồi ra xe phóng đi, bỏ lại chú Điền ngơ ngẩn nhìn theo. Về đến nhà dì vất túi xách vào tủ, đến hai hôm sau mới có chuyện cần mở túi xách ra và phát hiện cái kính của người đàn ông lạ hôm nọ vẫn còn nằm trong túi xách. Lòng dạ rối bời, dì Chi không biết làm thế nào trả lại cho người ta, bèn đi ra bưu điện hôm nọ. Dĩ nhiên là không có ông ta ở đó. Dì Chi trình bày với cô nhân viên bưu điện, và hỏi thăm cô có thấy người đàn ông cho dì mượn kinh hôm nọ trở lại bưu điện trong những ngày gần đây không. Không ngờ dì Chi đã gặp may vì người đàn ông hôm nọ là người quen của cô gái nầy. Cô gái nói:

_Chú nầy cháu quen mà. Hôm nọ chú cho cô mượn kính phải không? Chú nầy thỉnh thoảng vẫn gửi hàng đi Mỹ.

Thế rồi cô đọc vanh vách:

_ Nguyễn Quang Điền, nhà số…, đường Nguyễn Thị Minh Khai.

Thế là dì chạy thẳng đến địa chỉ vừa nghe. Mười lăm phút sau dì đã đứng trước căn nhà của người không quen, dì rụt rè bấm chuông. Người đàn ông hôm nọ ra mở cửa. Vừa thấy dì Chi ông đã cười:

_ Chị đến trả kính phải không? Mời chị vào nhà.

Chú Điền dắt xe máy cho dì Chi rồi khóa cổng lại cẩn thận như cái cách những người lớn tuổi vẫn thường làm. Rồi chú mở rộng cửa mời dì lần nữa. Chú Điền vừa rót nước mời dì Chi vừa từ tốn nói:

_ Có gì đâu mà chị phải nhọc công. Tôi cũng có đến hai, ba cái kính. Vì người già mau quên, suốt ngày đi tìm kính ấy mà.

( Hôm đó chú Điền không nói, nhưng sau đó khi hai người đã quen thân, chú mới nói cho dì Chi biết là mấy hôm sau sáng nào chú cũng ngồi ở quán cà phê trước bưu điện để mong gặp lại dì, vì nghĩ thế nào dì cũng đến đấy tìm người cho mượn kính). Dì Chi kín đáo nhìn quanh phòng khách: phòng hơi bừa bãi, sách báo vất lung tung dưới gầm bàn sa lông, những cái tách trà lâu ngày không rửa, một cây đàn piano ở góc phòng và một cây guitar vất lăn lóc trên chiếc bàn gần đó. Có vẻ như chủ nhân của căn nhà nầy là một tay chơi đàn kha khá. Nhưng nhìn chung ngôi nhà nầy hình như thiếu một đôi tay phụ nữ. Dì Chi nói vài ba câu xã giao rồi xin cáo từ. Chú Điền hỏi xin địa chỉ và số điện thoại của dì để hôm nào đến nhà đáp lễ. Dì Nhi hơi ngần ngại một tí rồi nghĩ: “ Mình có phải con gái mới lớn lên đâu mà sợ. “ Rồi dì nói địa chỉ, số phôn. Chú Điền vội vàng xé tờ lịch ghi rồi dắt xe cho dì. Ra khỏi nhà chú Điền, dì thở dài nhẹ nhõm: “ Thế là xong món nợ”. Nhưng thật ra “ món nợ “ vẫn chưa hết. Thời gian sau chú Điền nhiều lần đến nhà dì Chi, khi thì mời dì Chi đi uống cà phê, khi thì ngồi nói chuyện về những loại đàn. Có vài lần gặp chú Điền ở nhà dì Chi tôi thấy ông ta trông cũng được, mặt mũi bình thường, không đẹp, không xấu, nghe nói bằng tuổi dì Chi. Chú là kỹ sư mới nghỉ hưu, đầu chưa hói nhưng tóc lại đen một cách đáng ngờ. Có lẽ là tóc nhuộm. Chú cũng thạo chơi đàn như dì Chi, vợ chết đã lâu, có hai cô con gái đều định cư ở Mỹ. Hai người thường ngồi ở bộ bàn ghế ngoài hiên nhìn ra mảnh vườn có trồng mấy cây hồng xiêm đang ra trái. Cả nhà ai cũng mong dì Chi đi bước nữa cho đỡ cô quạnh tuổi già. Vả lại hai người cũng không có gì phải vướng bận. Hoàn cảnh lại giống nhau. Thế nhưng dì Chi lại nghĩ khác, trước sự động viên của người thân và bạn bè, dì bướng bỉnh:

_ Lấy chồng như đeo gông vào cổ. Thôi, cho xin hai chữ bình yên. Chỉ là bạn bè thôi.

Không biết mối quan hệ “ bạn bè” của dì và chú Điền thân thiết như thế nào nhưng tôi thấy chú Điền đến nhà dì chơi hằng ngày. Có khi dì lụi cụi nấu món gì đó rồi cả hai cùng ăn, có khi chú Điền xuống bếp trỗ tài nấu nướng. Có khi cả hai đèo nhau đi picnic đâu đó suốt ngày. Ông bà ngoại tôi đã qua đời, mẹ tôi và dì Bích Ty thì đều quan niệm như nhau:

_ Thôi, dì ấy cũng già rồi. Cưới hỏi làm chi cho thêm rắc rối. Được ngày nào vui ngày nấy vậy mà.

Nhưng ngày vui thường qua nhanh, gần một năm sau thì chú Điền ngã bệnh. Hai người con gái bên Mỹ về thăm được mấy ngày rồi lại vội ra đi vì công việc. Cả hai chu cấp tiền cho chú Điền chữa bệnh và thuê người chăm sóc chú. Dì Chi hàng ngày chạy đi, chạy lại an ủi chú. Tôi thấy dì buồn và ốm hẳn. Ngoài miệng thì dì nói chỉ là bạn bè thôi nhưng ai biết được trong lòng người đàn bà cô quạnh kia nghĩ gì. Vết thương lòng thời son trẻ không biết đã nguôi ngoai với thời gian chưa, bây giờ lại thêm một vết thương lòng nữa. Tình đầu gãy gánh giữa đường, tình cuối ngắn ngủi qua nhanh. Tình yêu của người già thường không được thời gian hỗ trợ, có cái gì gấp gáp , hối hả trong từng phút,từng giây. Chú Điền thường tiếc nuối nói với dì Chi sao chú lại gặp dì quá muộn màng. Có lúc bệnh tình hơi thuyên giảm, chú lại đi đến nhà dì Chi, hai người lại ngồi trên bộ ghế mây kê ngoài hiên, nhìn từng trái hồng xiêm căng mọng sắp chín. Chú Điền nói:

_ Trái cây lớn nhanh từng ngày Chi nhỉ. Tiếc là anh không được ăn.

Và đúng là chú Điền không đợi được đến khi trái hồng xiêm chín. Nửa tháng sau chú qua đời. Ngày đưa tang , dì Chi lặng lẽ đi sau quan tài, mặc dầu dì không khóc, không quấn khăn tang, nhưng biết đâu nỗi đau đã quấn lên trái tim dì mấy vành khăn tang vô hình và lặng lẽ của một kiếp đàn bà đa đoan, bạc phận.


* Cỏ đất Yên giống như tơ xanh
Dâu đất Tần rủ thấp cành cây xanh ngắt ( Đường thi ).


VƯƠNG HOÀI UYÊN