Tuổi thơ trong tôi là ngôi nhà gỗ nằm bên đồi cao với bạt ngàn cây lá. Những bãi rì rì soi bóng xuống dòng sông xanh, chiều chiều mấy đứa bé rủ nhau leo lên ghềnh đá cao nhảy bì bõm xuống làn nước lạnh, chúng sải tay ra bơi, đôi chân dập nước bắn tung tóe. Tôi nhớ cha tôi làm luồng để bắt cá, những con cá gáy bị dòng nước mạnh cuốn vào trong guồng giãy đành đạch. Tôi nhớ mẹ tôi chiều chiều vẫn giặt giũ trên tảng đá to ở mé sông, chân mẹ nhiều khi bị chảy máu vì bị đỉa cắn. Mùa hạ về hoa sim nở tím một góc đồi, anh em tôi đội nắng đi hái những quả sim đen mọng. Tôi nhớ cái vị chát của quả côm xanh, cái vị bùi của quả trám, cái vị chua lè của lá mút chút và cái cảm giác ngọt ngọt đầu lưỡi khi ăn đọt ngấy hương. Mùa đông, ông bà ngoại đi bẻ lá cây sim về sưởi ấm, chúng tôi quây quần bên bếp mun và thích thú ngửi mùi thơm của loài cây thân thuộc, trên mái nhà tranh, gió vẫn rít từng hồi khe khẽ...Tôi nhớ những buổi trưa nằm trên chiếc chõng tre, chân đung đưa theo tiếng kẽo kẹt rồi chìm vào giấc ngủ, khi tỉnh dậy thì trời đã sẩm tối, nhà hàng xóm bắt đầu chong đèn dầu leo lắt, tôi lặng yên lắng nghe tiếng muỗi vo ve bên tai, tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng xa thẳm, bầu trời le lói vài ánh sao, hàng cau đung đưa với một vài cơn gió thổi… Những kí ức đẹp đẽ về một thời xa vắng thỉnh thoảng lại hiện về trong cả giấc mơ, những giấc mơ cho tôi khao khát được quay về chốn xưa ấy.

Tôi nhớ buổi sáng mờ sương, những chú chim chích hót đua chuyền cành, nhành hoa đá nở thắm cả khoảng sân, tôi nhặt những bông rơi rụng kết thành một vòng hoa rồi đội lên mái tóc để làm nàng công chúa chốn rừng sâu. Tôi nhớ loài phong lan mà cha tôi mang về sau chuyến đi rừng, mẹ tôi đã mang chúng buộc vào một gốc cây mít, cứ thế mà chúng lớn lên rồi nở rộ những chùm bông màu trắng tinh khiết, hàng ngày tôi chăm chú nhìn những bông hoa, chúng đẹp lạ lùng, tôi còn nhìn thấy cả một cô gái mặc váy đang nhảy múa trong những bông hoa nhỏ xinh ấy. Nhà ngoại tôi có cả một vườn bưởi rộng, tôi không biết ngoại đã trồng bưởi lúc nào, chỉ biết khi tôi lớn lên thì những gốc bưởi cũng đã lớn ngang bắp đùi của tôi, hoa bưởi màu trắng và thơm lắm, một mùi thơm dịu nhẹ và thanh tao, chị gái tôi bảo tôi nhặt hoa bưởi rụng để nấu lên gội đầu, tôi xem công việc ấy như một trò chơi, tôi nhặt hoa và cứ thế xếp chúng thành những hình thù mà tôi mong muốn, tôi lấy làm thích thú lắm. Vườn bưởi đến mùa kết trái, trái bưởi tròn như mặt trăng tháng năm, từng trái to nhỏ dọng xuống như những chiếc lồng đèn màu xanh, tôi chờ lúc mẹ tôi vắng nhà rồi lặng lẽ hái một trái còn non và cắt gọt ghép thành một chú trâu mũm mĩm, tôi buộc sợi dây vào mõm chú trâu non rồi dắt nó đi cày bừa ở một khoảng đất trống giữa sân, sau đó tôi lại dắt nó qua chú trâu của thằng bạn hàng xóm cho chúng đấu húc nhau, chú trâu của tôi bị thua, cái sừng nó đứt lìa, tôi buồn rầu vứt nó trên cái mương nước và chạy về quyết tâm hái một trái bưởi to hơn… Tôi nhớ những cánh diều làm bằng giấy xám ai đó trong làng thả lên trời vào ngày gió thổi, tiếng sáo khô khốc vang xa hòa vào đất trời như một bản nhạc không lời, cánh diều nhảy múa trên không trung như đùa nghịch với lũ chim én đang chao liệng, thỉnh thoảng có một vài cánh diều bị đứt dây rơi vướng trên cành cây cao, chúng tôi thi thố nhau trèo lên để gỡ xuống… Tôi nhớ khi chúng tôi chơi trò mẹ con, mấy đứa lớn trong đám đi chặt những cành cây nhỏ lợp thành những cái lều be bé dựng dưới chân đồi, tôi giấu mẹ mấy cái bát sứt mẻ, một vài nắm gạo và ít mắm muối đưa vào lều để nấu ăn, tôi nhỏ nhất trong hội nên được chia làm “con”, bữa ăn “thịnh soạn” được bày ra, lũ chúng tôi quên cả vai trò “mẹ”, “con” tranh giành nhau ăn ngon lành. Chúng tôi cứ thế chơi cho đến khi mẹ tôi phải chạy đến gọi tôi về và dọa sẽ đánh đòn một trận đau điếng, tôi biết mẹ chỉ nói thế thôi chứ chẳng mấy khi mẹ nặng tay với anh em tôi bao giờ, và cuộc chơi của chúng tôi hứa hẹn sẽ được tiếp tục vào ngày mai… Kỉ ức của tôi như một chiếc lá được ép vào trang giấy trắng, nó có thể nhỏ bé và mỏng manh nhưng vẫn luôn lưu giữ được mãi theo thời gian, vẫn còn đó một màu xanh lá có thể nhạt phai theo năm tháng nhưng sẽ được điểm tô khi nỗi nhớ dâng đầy.

Tôi nhớ những buổi chợ phiên ở quê, chợ ba ngày được họp một lần. Ngày ấy, tôi chưa nắm được hết những con số nhưng lại nhớ rất kĩ ngày sẽ họp chợ, những lần như thế, mẹ tôi thường thức dậy từ rất sớm cùng cha chọn lựa những con cá còn tươi để mang ra chợ bán. Tôi cũng tỉnh giấc sớm lắm, rồi lại giả vờ khóc nhè để được đòi mẹ đi theo. Mẹ tôi quang gánh khéo léo ghê, một bên là tôi và một bên là lũ cá vảy lấp lánh, cứ thế mẹ nhẹ nhàng đưa bọn tôi qua cánh rừng già, băng qua cánh đồng nhỏ, tôi ngủ gật lắc lư theo quang gánh của mẹ, mùi thơm hoa lạc non trên đồng cho tôi mơ về những hạt lạc luộc bùi bùi mùa mưa hạ… Chợ quê không đông đúc nhưng vui đến lạ, các cô các bác hỏi chuyện nhau như bà con cách xa đã lâu ngày, chợ nằm ngay trên một con đường, lòng tôi náo nức như được đi chơi tết. Một bà cụ miệng móm mém nhai trầu đang phơi ra một vài nải chuối, chị con nhà hàng xóm đặt lên cái mẹt bày ra một ít trầu cau, có cả một vài người dưới xuôi mang những bộ quần áo sặc sỡ treo lên cao để chào hàng... Mẹ mua cho tôi hai cái bánh rán vàng rộm, bánh to như cái nắm tay của tôi nhưng tròn trĩnh và thơm lừng, giá mà không đói thì tôi sẽ mang bánh về nhà cất giữ rồi thỉnh thoảng sẽ lấy ra lăn đi lăn lại để chơi. Về mùa đông, chợ thường vắng vẻ hơn bởi những cơn mưa hoài không chịu dứt, chậu cá của mẹ cũng kén người mua nhưng mẹ vẫn cố bán cho đến khi tan chợ, dù cái rét làm cho cả mấy con cá cứng đờ. Cá bán không hết, mẹ mang về hái đọt rau tím nấu canh chua, cho đến bây giờ, đó vẫn là món ăn mà tôi yêu thích nhất.

Đó là một miền kí ức có thật như truyện, như phim.. Một miền kí ức mà khi càng đi giữa phố ồn ào tôi lại càng thấy nhớ..

Dòng đời khắc nghiệt, con người ta hoàn toàn có thể dối lừa nhau, nhưng chẳng ai dối được lòng mình một tình quê vẫn luôn day dứt!

Có người hỏi tôi sao mấy năm rồi chẳng chịu về thăm quê, phải chăng bởi sống giữa Sài thành đông vui mà quên mất chốn quê nghèo xưa ấy? Tôi lặng lẽ nhìn về phía xa xôi, lòng tôi vẫn khôn nguôi nhớ về quê cũ, nhưng cha mẹ tôi đã không còn ở đó, mái nhà xưa đã xác xơ, miền quê cũng đã đổi thay quá nhiều, tôi sợ lắm nếu quay về nới ấy, mọi thứ không còn được đẹp đẽ như những kí ức về tuổi thơ thì lòng người sẽ mãi mãi âm ỉ một nỗi buồn thương khó lành lại.

Virgo